Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Gánh nặng dồn lên vai người tiêu dùng

26/07/2018

Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu tăng kịch khung từ ngày 1.7.2018 sẽ gây tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường vận tải.


Giảm phí đường bộ để giảm cước

Theo đó, mức tăng thuế cao nhất là dầu hỏa tăng 1.700 đồng/lít, mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít và các mặt hàng xăng tăng 1.000 đồng/lít. Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên, Chính phủ đề xuất UBTVQH cho đánh thuế BVMT ở mức cao nhất trong khung thuế suất hiện hành đối với tất cả các sản phẩm xăng, dầu.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc tăng thuế BVMT qua xăng, dầu nhằm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa gây tác hại đến môi trường và khuyến khích việc sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường. Cũng theo Bộ Tài chính việc tăng thuế còn phù hợp với bối cảnh phát triển KTXH.

Theo ông Đỗ Trọng Trà - Giám đốc Cty Vận tải Thanh Hưng HN - việc tăng thuế BVMT xăng, dầu sẽ ảnh hưởng đến chi phí của DN buộc các DN vận tải phải tăng giá cước và sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vấn đề môi trường là rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, nếu tăng thuế BVMT xăng, dầu thì phải giảm phí đường bộ để giảm áp lực cho DN.

Cũng theo ông Trà hiện nay phí đường bộ và phía logictic của VN quá cao, nếu không tính toán giảm phí đường bộ và xây dựng các trạm chung chuyển logictic miễn phí thì rất khó khăn cho DN.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu sẽ kéo theo giá cước vận tải hàng hoá tăng, buộc các mặt hàng thiết yếu phải tăng giá. Trong khi, đây là mặt hàng thiết yếu, ai cũng phải dùng, tác động đến mọi ngành sản xuất. Và cuối cùng gánh nặng đổ lên vai người tiêu dùng.

Do đó, cần phải tìm nguồn thu khác, giảm chi phí cho DN, không nên tăng thuế với mặt hàng thiết yếu. Bà Hoàng Hải trú tại 18 Hàng Kênh, Hải Phòng cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường là quan trọng nếu nhà nước đánh thuế BVMT xăng dầu cao thì giảm các chi phí khác để cân bằng.

Nếu không mọi gánh nặng sẽ đổ lên vai người dân, trong khi đó đời sống của người dân lao động vẫn khó khăn do đó không thể để mớ rau cũng phải cõng chi phí về xăng dầu được.

Theo Chủ nhiệm HTX Dân Chủ (TP.Hoà Bình) việc tăng cước vận chuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng vì hiện chi phí từ ruộng đến chợ rất lớn mà nguyên nhân chính là do cước phí vận tải. Do vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về vận tải nông nghiệp, để các sản phẩm nông nghiệp không bị tư thương lợi dụng tăng giá xăng để dồn gánh nặng lên vai người tiêu dùng.

Tác động trực tiếp đến người tiêu dùng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, việc tăng thuế BVMT đã gây khó khăn cho ngành kinh doanh vận tải. Việc tăng này đã buộc các DN phải điều chỉnh giá cước và phải xin phép Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở GTVT và niêm yết thông báo với hành khách rồi mới in lại vé... dù việc tăng giá cước trong bối cảnh hiện nay là không dễ và cần phải có độ trễ.

Ông Thanh cũng cho rằng, nếu giá nhiên liệu thế giới tăng cùng thời điểm tăng thuế BVMT xăng, dầu thì rất khó khăn cho DN kinh doanh vận tải.

Cùng đó, Giám đốc Cty Vận tải Anh Huy Đất cảng - Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho rằng, hiện ngành vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn kể cả hàng hoá và hành khách. Hiện có quá nhiều các hãng vận tải hoạt động, cùng đó nạn xe dù bến cóc, xe khách trá hình hoạt động ngang nhiên không tuân thủ các quy định của pháp luật cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng đó, cước phí đường bộ hiện rất cao và phí trùng phí, cụ thể tại tuyến Hà Nội - Hải Phòng chủ yếu là đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí đường bộ khoảng 4-5 triệu đồng/xe/năm và nhiều khoản phí khác. Do vậy, nếu tăng thuế BVMT xăng, dầu buộc các DN vận tải phải tăng giá cước dẫn đến sẽ tăng gánh nặng cho người dân và DN. “Để giữ khách DN phải tính toán để đảm bảo hoạt động SXKD của mình”.

Mức tăng thuế BVMT đối với từng mặt hàng theo dự thảo đề xuất:

Xăng: Đề nghị tăng từ 3.000đ/lít lên mức trần 4.000đ/lít, tăng 1.000đ/lít; Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500đ/lít lên mức trần 2.000đ/lít, tăng 500đ/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Đề nghị tăng từ 900đ/lít lên mức trần 2.000đ/lít, tăng 1.100đ/lít; Mỡ nhờn: Đề nghị tăng từ 900đ/kg lên mức trần 2.000đ/kg, tăng 1.100đ/kg; Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300đ/lít lên mức trần 2.000đ/lít, tăng 1.700đ/lít.

Theo Đặng Tiến (Lao động)