"Chính phủ khẳng định quyết tâm trong việc triển khai đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam trong thời gian ngắn nhất, đạt chất lượng cao nhất. Không để công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án".
Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị "Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020" do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 21/2.
Gần 4.000 hộ dân sẽ phải di dời
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy hoạch, giai đoạn từ nay đến 2020 phải đưa vào sử dụng 2.000 km đường cao tốc. Giai đoạn 2021-2030 phải đưa vào khai thác thêm ít nhất 3.000 km đường cao tốc. Nhưng tính đến nay, hệ thống đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau mới chỉ mới hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km.
Còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội -Tp.HCM, 150 km đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.
Với một đất nước trải từ Bắc xuống Nam, việc chỉ mới có 223 km đường cao tốc đang được khai thác là con số quá ít nếu so với một số nước trong khu vực.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến cao tốc chạy qua 13 tỉnh với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn với tổng kinh phí khoảng 12.400 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 4.800 ha đất được thu hồi, gần 4.000 hộ dân và nhiều công trình xã hội khác phải di dời.
Bước đầu đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án xây cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng dự toán chi phí khảo sát. Ngoài ra, công tác khảo sát thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cùng mốc lộ giới các dự án được thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý 1-2 năm nay.
Trong đó, đã có 10/11 địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua Bình thuận và Đồng Nai, tỉnh đang yêu cầu các huyện hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hành lang vận tải Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là hành lang đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Tp.HCM, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn.
Khi tuyến đường hoàn thành sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để các địa phương có đường cao tốc đi qua cải thiện môi trường đầu tư, trở thành một động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giao Bộ Giao thông Vận tải lập dự án tiền khả thi để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội và đã được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư.
Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
"Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao và biểu dương lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, cá nhân Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ cùng các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn đã chủ động, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao", Phó thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, những kết quả đã đạt được tuy rất quan trọng nhưng mới chỉ là khâu chuẩn bị, là cơ sở để thực hiện quá trình đầu tư dự án.
"Còn rất nhiều việc phải làm", Phó thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh mục tiêu phải triển khai nhanh, cơ bản hoàn thành vào năm 2020-2021. Muốn vậy, năm 2019 phải khởi công được một số đoạn, tuyến.
Trong giai đoạn này, cần đồng thời tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thiết kế kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu để thi công xây lắp.
"Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ đặc biệt, quyết định đến tiến độ thi công. Đây là trách nhiệm chính của các địa phương trên toàn tuyến", Phó thủ tướng khẳng định.
"Không vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mà ảnh hưởng đến tiến độ của dự án", Phó thủ tướng khẳng định quyết tâm và nhấn mạnh: "Bộ chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân cả nước đang nhìn vào chúng ta, xem liệu chúng ta có làm được hay không?"
Hàng loạt bộ ngành, địa phương cùng xắn tay
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan chức năng bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết và tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng phải tổ chức triển khai ngay công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng được phê duyệt, hoàn thành vào quý 2/2019; phối hợp với các địa phương trong việc bảo đảm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công khai phương án chi tiết giải phóng mặt bằng theo quy định.
Thực hiện tốt chế độ phối hợp và cung cấp thông tin với chính quyền và các cơ quan có liên quan của địa phương, bảo đảm minh bạch các thông tin về dự án đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây dựng; báo cáo kịp thời các tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thống nhất phương án giao vốn để các địa phương thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ chính là giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công; hỗ trợ, cung cấp các nguồn vật liệu cho dự án; bảo đảm an toàn, an ninh, không để xảy ra điểm nóng trong quá trình đầu tư dự án.
Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư dự án thành phần giải phóng mặt bằng và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, hợp lý của người dân.
Cùng với đó khẩn trương triển khai ngay các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và triển khai thực hiện ngay các gói thầu này; rà soát quy hoạch tái định cư, triển khai các thủ tục xây dựng các khu tái định cư; chỉ đạo triển khai các thủ tục về thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đáp ứng tiến độ, yêu cầu.
Phối hợp với chủ đầu tư dự án trong việc xác định và cắm mốc giới phạm vi giải phóng mặt bằng để tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của công tác giải phóng mặt bằng.
Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng trình tự và đúng tiến độ công tác lập hồ sơ, thông báo thu hồi đất, thẩm định, quyết định thu hồi đất, giao đất; lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thực hiện ngay phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau khi có quyết định phê duyệt đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định của pháp luật (hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp).
Kịp thời áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ dự án.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao nhiều nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương, các địa phương nhằm sẵn sàng các phương án bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng, đất, cát đắp nền đường và đá các loại cho quá trình đầu tư, thi công.
Theo Bảo Anh ( http://vneconomy.vn)